NHÀ THỜ ĐÁ PHÁT DIỆM
Nhà thờ chính tòa Phát Diệm (thường gọi là Nhà thờ đá Phát Diệm) là một quần thể nhà thờ Công giáo rộng khoảng 22 ha, nằm tại thị trấn Phát Diệm, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, cách Hà Nội khoảng 120 km về hướng Nam. Hiện nay, tỉnh Ninh Bình và các nhà nghiên cứu Nhật Bản đang hoàn thiện hồ sơ về kiến trúc nhà thờ Phát Diệm để đề nghị UNESCO công nhận nhà thờ Phát Diệm là di sản văn hóa thế giới.
Nhà thờ đá Phát Diệm được báo chí đánh giá là một trong những nhà thờ đẹp nhất Việt Nam, được ví như “kinh đô công giáo” của Việt Nam. Đây là một công trình lớn, là nhà thờ chính tòa của giáo phận Phát Diệm rộng lớn ở phía bắc Việt Nam. Nhà thờ được xây dựng toàn bằng đá và gỗ. Nhà thờ Phát Diệm được khởi công vào năm 1875 và đến năm 1898 thì cơ bản hoàn thành. Nét độc đáo của công trình này ở chỗ: mặc dù là nhà thờ Công giáo nhưng được mô phỏng theo những nét kiến trúc đình chùa truyền thống của Việt Nam. Quần thể kiến trúc này được chủ trì xây dựng dần dần bởi linh mục Phêrô Trần Lục (còn gọi là cụ Sáu) – linh mục ở giáo phận Phát Diệm từ năm 1865) và các giáo dân Công giáo trong hơn 30 năm.
KIẾN TRÚC
Quần thể nhà thờ Phát Diệm gồm 1 nhà thờ lớn và 5 nhà thờ nhỏ (trong đó có một nhà thờ được xây dựng bằng đá tự nhiên, được gọi là nhà thờ đá), 1 phương đình (nhà chuông), ao hồ và 3 hang đá nhân tạo. Theo ông Nguyễn Văn Giao, hướng dẫn viên phục vụ nhà thờ cho biết: “Nói công trình này giống đình chùa là rất đúng. Cha Trần Lục – người kiến trúc sư của công trình có mong muốn rằng, qua công trình này nói lên tính chất hòa hợp và sự hội nhập giữa đạo Công giáo với nền văn hóa kiến trúc của dân tộc cũng như sự hòa hợp giữa Công giáo với các tôn giáo khác ở Việt Nam; nói lên tính đoàn kết”.
Ao hồ: Một hồ nước hình chữ nhật, rộng khoảng 4 ha, được kè đá xung quanh nằm trực diện với con đường từ thị trấn Phát Diệm dẫn vào nhà thờ. Giữa hồ là một hòn đảo trên đó có bức tượng Chúa.
Phương Đình: khởi dựng năm 1899, là một công trình kiến trúc cao 25m, rộng 17m, dài 24m gồm ba tầng được xây dựng bằng đá phiến, lớn nhất là tầng dưới cùng được xây dựng bằng đá xanh. Trên 4 đỉnh tháp có 4 pho tượng bốn vị Thánh Sử, mà từ đường nét, tư thế đến đường mây nếp áo khiến ta dễ lầm với các pho tượng trong các đền chùa Việt Nam. Các vòm cửa bằng đá được lắp ghép đến trình độ tinh xảo. Giữa Phương Ðình đặt một sập làm bằng đá nguyên khối, phía ngoài và bên trong là những bức phù điêu được khắc chạm trên đá hình ảnh chúa Jêsu và các vị thánh với những đường nét thanh thoát. Tầng thứ hai của Phương Ðình treo một trống lớn. Tầng ba treo một quả chuông cao 1,4m, đường kính 1,1m, nặng gần 2000 kg, quả chuông lớn ở Phương Ðình được đúc vào năm 1890. Một tiếng chuông vang xa được ví như cả 3 tỉnh (Nam Định, Ninh Bình và Thanh Hóa) nghe thấy. Mái của nhà thờ Phát Diệm không cao vút kiểu ngọn tháp như những nhà thờ khác mà là mái cong thấp cổ kính như mái đình, mái chùa.
Nhà thờ lớn: Nhà thờ chính được xây dựng từ năm 1891 với tên chính thức là Nhà thờ Đức Mẹ Mân Côi, nay là nhà thờ Chính tòa của vị Giám mục Phát Diệm. Nhà thờ lớn dài 74m, rộng 21m, cao 15m, có bốn mái và có năm lối vào dưới các vòm đá được chạm trổ. Trong nhà thờ có 6 hàng cột gỗ lim (48 cột) nguyên khối, hai hàng cột giữa cao tới 11m, chu vi 2,35m, mỗi cột nặng khoảng 10 tấn. Gian thượng của thánh đường có một bàn thờ lớn làm bằng một phiến đá nguyên khối dài 3m, rộng 0,9m, cao 0,8m, nặng khoảng 20 tấn. Mặt trước và hai bên được chạm trổ các loài hoa đặc trưng của bốn mùa làm cho bàn thờ như được phủ một chiếc khăn màu thạch sáng. Hai phía bên nhà thờ có bốn nhà thờ nhỏ được kiến trúc theo một phong cách riêng.
Nhà thờ đá: Khởi công xây dựng từ năm 1883. Tên nguyên thủy: Nhà nguyện Trái tim Vô nhiễm nguyên tội Đức Mẹ, còn được gọi là nhà thờ đá vì tất cả mọi thứ ở nhà thờ này đều được làm bằng đá, từ nền, tường, cột, chấn song cửa…
Phía trong được chạm nhiều bức phù điêu đẹp, đặc biệt là bức chạm tứ quý: tùng, mai, cúc, trúc, tượng trưng cho thời tiết và vẻ đẹp riêng của bốn mùa trong một năm. Ðường nét khắc họa những con vật như sư tử, phượng sống động đến lạ thường.
Các hang đá nhân tạo: ở phía bắc khu nhà thờ Phát Diệm có 3 hang đá cách nhau khoảng 100m được tạo bằng những khối đá lớn nhỏ khác nhau giữ nguyên dáng vẻ tự nhiên. Trong đó, hang Lộ Ðức là đẹp nhất. Trên các hang đá đều có các tượng lớn.
Núi Lộ Đức: Nguyên thủy tên là Vườn Giệtsimani (phiên âm từ Gethsemane), khởi dựng năm 1896, từ năm 1925 đổi tên thành núi Lộ Đức.
Núi Sinh Nhật: nguyên thủy tên là Núi Táng Xác, khởi dựng năm 1875, cũng là công trình được xây dựng đầu tiên với quy mô rất đồ sộ nhằm mục đích thử độ lún của đất mới bồi. Từ năm 1954 được đổi tên thành Núi Sinh Nhật.
Và các nhà nguyện: Nhà nguyện dâng kính Trái Tim Chúa, nhà nguyện kính thánh Phêrô, nhà nguyện kính thánh Giuse, và nhà nguyện kính thánh Rôcô (tên nguyên thủy: nhà nguyện kính thánh Gioan Tiền Hô).
LỄ HỘI GIÁNG SINH
Lễ hội Giáng sinh ở Nhà thờ Phát Diệm là một dịp sinh hoạt văn hóa cộng đồng lớn nhất của giáo dân giáo phận Phát Diệm cũng như những người dân Kim Sơn. Khoảng nửa tháng trước ngày lễ hội, giáo dân Phát Diệm bắt đầu chuẩn bị cho ngày lễ trọng đại nhất trong năm của những người theo đạo. Họ dành thời gian vào việc trang hoàng lại nhà thờ cho ngày lễ sắp tới.
Đêm Giáng Sinh diễn ra dưới tiết trời lạnh giá, Tòa Giám mục Phát Diệm lung linh với ánh đèn màu rực rỡ. Hệ thống hang đá, cây thông, đèn ông sao phát quang tạo nên một không gian độc đáo và tráng lệ khác thường. Trong khuôn viên nhà thờ, những người Công Giáo chuẩn bị tham dự thánh lễ tại thánh đường. Lễ giáng sinh ở Phát Diệm gồm các phần: Canh thức (chờ Chúa sinh ra) trước hang đá và Thánh Lễ. Kết thúc phần lễ là màn rước kiệu hoa tượng Chúa Hài Đồng (Chúa mới sinh). Lễ rước được tiến hành tôn nghiêm và linh thiêng. Ý nghĩa của nghi lễ này là để rước Chúa vào lòng dân. Sau nghi lễ này, tượng Chúa được đưa vào bên trong hang đá để kết thúc nghi lễ đêm Noel.
Trên sân khấu trước giữa phương đình và hồ nước là nơi trình diễn các tiết mục ca mừng Giáng sinh phục vụ nhân dân và du khách. Kết thúc chương trình ca mừng Giáng sinh cũng là lúc bên trong thánh đường, mọi người cùng nhau nguyện cầu cho cuộc sống hòa bình, con người an lạc và hạnh phúc. Ngày Giáng sinh là dịp những đôi tình nhân tặng quà cho nhau, trẻ em háo hức chờ sự xuất hiện của ông già Noel, gia đình bè bạn rủ nhau hội hè, yến tiệc,…