Với quan điểm văn hóa, con người vừa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế, ngày 26/6/2017, Tỉnh ủy Ninh Bình đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TU về “xây dựng và phát triển văn hóa, con người Ninh Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển bền vững”.
TS. Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở Văn hóa & Thể thao tỉnh Ninh Bình trao đổi xung quanh quá trình 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết này:
Ngành Văn hóa & Thể thao Ninh Bình có vai trò như thế nào trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 10?
Sau khi Ban thường vụ Tỉnh ủy Ninh Bình đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TU, ngày 27/10/2017, UBND tỉnh Ninh Bình đã ban hành kế hoạch số 188/KH-UBND để triển khai thực hiện với mục tiêu bảo tồn, kế thừa và phát huy giá trị các di sản văn hóa, chuẩn mực đạo đức, nếp sống, lối sống truyền thống tốt đẹp của dân tộc và vùng đất Cố đô Hoa Lư lịch sử. Song song với đó, mục tiêu xây dựng văn hóa, con người Ninh Bình thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ, tiến bộ, văn minh, hướng đến các giá trị chân – thiện – mỹ cũng đóng vai trò chủ chốt.
Việc triển khai Nghị quyết số 10 nói trên chứng tỏ Ninh Bình đã và đang nghiêm túc thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước.
Để cụ thể hóa các nhiệm vụ đề ra trong Nghị quyết, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình đã chủ trì và phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan tham mưu với tỉnh ban hành 22 văn bản chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện với những mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp cụ thể ngắn hạn cũng như định hướng tầm nhìn dài hạn về xây dựng và phát triển văn hóa, con người.
Bên cạnh công tác tham mưu, Sở Văn hóa và Thể thao cũng ban hành các chương trình, kế hoạch thực hiện các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Bộ VHTT&DL và các văn bản hướng dẫn thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước, xây dựng và phát triển sự nghiệp văn hóa, thể thao.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh là xây dựng phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa. Với nhiệm vụ này, Sở Văn hóa & Thể thao Ninh Bình đã triển khai định hướng như thế nào?
Ninh Bình xác định mỗi tổ chức của xã hội cần thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Từ đó, chúng ta mới có thể xây dựng gia đình văn hóa; khu dân cư văn hóa; cơ quan, đơn vị văn hóa, xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới; phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị, thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh ở cơ sở.
Hai năm qua, Sở Văn hóa và Thể thao đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến về tiêu chuẩn xây dựng các danh hiệu văn hóa; hướng dẫn và tổ chức việc đăng ký, bình xét, công nhận các danh hiệu văn hóa bảo đảm đúng tiêu chuẩn; vận động nhân dân thực hiện quy ước, hương ước, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; huy động các nguồn lực để xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao; bảo tồn và phát huy di sản văn hóa…
Nhờ đó, kết quả về việc phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa có sự bứt phá ngoạn mục. Năm 2018, có 88,21% hộ gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hóa; 89,9% làng, phố đạt danh hiệu văn hóa; 76,27% xã được công nhận đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới; 41,7% phường, thị trấn được công nhận danh hiệu chuẩn văn minh đô thị. Hiện, Ninh Bình có 200 lễ hội diễn ra thường niên, các lễ hội được tổ chức trang trọng về phần lễ, văn minh trong phần hội.
Ninh Bình là một trong số ít tỉnh, TP duy trì nghi thức về chào cờ hàng tháng. Theo ông, hoạt động này có ý nghĩa gì đặc biệt?
Từ năm 2017, Ban thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo tổ chức sinh hoạt chính trị dưới nghi thức chào cờ vào sáng thứ 2 đầu tuần của tháng. Sau nghi thức chào cờ, hát quốc ca là những câu chuyện kể về cuộc đời, hoạt động của Bác đồng thời biểu dương, suy tôn các cán bộ, đảng viên có thành tích xuất sắc trong tháng để ghi tên trong sổ vàng “Gương sáng Đảng viên”. Nghi thức này đã trở thành nền nếp, hoạt động sinh hoạt chính trị, tạo sức lan tỏa phong trào học tập và làm gương Bác. Đây cũng là một nét đẹp trong việc xây dựng văn hóa trong chính trị.
Ngoài ra, Ninh Bình cũng là một tỉnh được đánh giá xây dựng tốt văn hóa trong kinh tế bởi văn hóa ứng xử, đạo đức trong kinh doanh, trách nhiệm của doanh nghiệp được đẩy mạnh. Ninh Bình chú trọng xây dựng văn hóa trong phát triển du lịch bền vững: gìn giữ cảnh quan, môi trường, không để người dân chèo kéo, bán hàng rong, xin tiền du khách… Quá trình kinh doanh, các loại hình doanh nghiệp, tổ hợp sản xuất cũng đều hướng đến quyền lợi của người tiêu dùng và giữ gìn bản sắc, xây dựng thương hiệu quê hương, đất nước.
Trong thời gian tới, để tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 10, Ninh Bình xác định cần tập trung thực hiện nhiệm vụ, giải pháp nào?
Để đẩy mạnh việc thực hiện Nghị quyết số 10, Ninh Bình đã đặt ra 5 nhiệm vụ chính gồm: xây dựng môi trường xã hội trong sạch, lành mạnh; xây dựng con người Ninh Bình phát triển toàn diện; bảo tồn, tôn tạo, phát huy các giá trị văn hóa; xây dựng, củng cố, nâng cao chất lượng hệ thống thiết chế văn hóa, hiệu quả hoạt động văn hóa; nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác thông tin tuyên truyền của các cơ quan thông tin, báo chí của tỉnh.
Theo đó, để thực hiện tốt các nhiệm vụ đó, giải pháp về lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý điều hành là giải pháp mang tính then chốt. Ngoài ra, giải pháp về huy động và khai thác nguồn lực trong quá trình lựa chọn cán bộ làm công tác văn hóa từ tỉnh đến cơ sở và thu hút tài năng trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật cũng vô cùng quan trọng. Thời gian tới, Ninh Bình cũng sẽ tăng cường sức mạnh toàn dân trong xây dựng, giữ gìn và khai thác các giá trị văn hóa, xây dựng con người mới đáp ứng nhu cầu phát triển.
Để thực hiện tốt có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trên, nhiều ý kiến cho rằng, Ninh Bình cần tăng cường đầu tư, nâng cao hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa. Về vấn đề này, ngành Văn hóa & thể thao có quan điểm như thế nào?
Thời gian qua, công tác thể dục thể thao tại Ninh Bình được coi trọng, tỉnh đã đào tạo được 790 vận động viên thành tích cao, mở 71 lớp năng khiếu nghiệp dư tại các xã, phường. Các vận động viên thi đấu giải trong nước và quốc tế đạt hơn 500 Huy chương các loại. Tính đến hết năm 2018, Ninh Bình đã có 138/145 xã có Nhà văn hóa, có 144 khu thể thao, 1.567/1.679 thôn, phố có nhà văn hóa, có 97/118 xã đạt tiêu chí số 06 về cơ sở vật chất văn hóa trong Bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu phục vụ đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân và phát triển kinh tế xã hội, ngành Văn hóa đề nghị tỉnh Ninh Bình quan tâm đầu tư hệ thống cơ sở vật chất, thiết chế văn hóa như: Trung tâm văn hóa tỉnh; Nhà hát Chèo; Bảo tàng tỉnh; Thư viện tỉnh. Đồng thời, cũng đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành xây dựng Quảng trường và tượng đài Đinh Tiên Hoàng Đế.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
Phương Thanh – Công Thành (Báo Pháp luật Việt Nam)