Động Hoa Lư hay còn được gọi là Thung Lau Ninh Bình thuộc địa phận xã Gia Hưng, Gia Viễn, Ninh Bình. Đây là di tích lịch sử cấp quốc gia theo quyết định số 51/VH-QD (Nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) ngày 1 tháng 12 năm 1996. Thung Lau với vẻ đẹp hùng vĩ của thiện nhiên, gắn liền với những bước đầu trong sự nghiệp thống nhất giang sơn của Đinh Bộ Lĩnh.
Thung Lau là tên gọi khác của động Hoa Lư
Nguồn gốc của tên gọi động Hoa Lư
Hoa Lư là âm Hán Việt của từ hoa lau, có thể hiểu đây là động có nhiều bông lau, người ta cũng gọi nôm na tên của nó là thung Lau. Động Hoa Lư ngoài tên gọi Thung Lau thì cũng có tên gọi khác là Thung Ông. Cái tên Thung Ông được đặt tên theo đền thờ “thánh Ông” Nguyễn Minh không ở trong thung xưa. Đến Ninh Bình nhiều du khách đều muốn trải nghiệm thêm Thung Lá bên cạnh thung Lau.
Động Hoa Lư gắn liền với lịch sử
Đại Việt sử ký toàn thư có chép động Hoa Lư là nơi sinh của vua Đinh Tiên Hoàng. Các nhà nghiên cứu cho biết động Hoa Lư xưa bao gồm cả làng Đại Hữu, châu Đại Hoàng nay là xã Gia Phương, Gia Viễn, Ninh Bình. Tương truyền Đinh Bộ Lĩnh chăn trâu cắt cỏ và tập trận cờ lau ở động Thung Lau, Thung Lá, Thung Lụi.
Thung Lau Ninh Bình – Động Hoa Lư là căn cứ đầu tiên của sứ quân Đinh Bộ Lĩnh trong sự nghiệp thống nhất giang sơn của mình. Động Thung Lau cách cố đố Hoa Lư khoảng 15km về phía bắc. Đinh Bộ Lĩnh sinh vào khoảng năm 924 ở động Hoa Lư, châu Đại Hoàng.
Khung cảnh Thung Lau Ninh Bình
Tuy được gọi với cái tên là Động Hoa Lư nhưng thực chất đây là một thung lũng rộng khoảng 16 mẫu được bao bọc xung quanh là các ngọn núi vòng cung. Núi ở đây cao trên dưới 200m, ngăn cách động Hoa Lư với bên ngoài và tạo thành một bức tường thành uy nghi sừng sững xung quanh động. Thung Lau Ninh Bình có dạng gần tròn, đường kính khoảng 200m.
Những bông lau trắng là đặc trưng của động Hoa Lư
Đường vào động chỉ có một lối duy nhất là một đường nhỏ cao khoảng 30m với dốc đá lớm nhởm khó đi lại. Ngày nay, chính quyền địa phương đã cho xây dựng một con đường với khoảng 240 bậc đá uốn lượn thành 9 khúc, tượng trưng cho hình tượng Rồng. Bao bọc bên ngoài động có đầm Cút dài 3km rộng 500m như con hào thiên chắn giữ cho động Hoa Lư.
Trên núi và dưới chân núi từ xưa tới nay đều có nhiều hoa lau, đến mùa vào khoảng tháng 10 hoa nở trắng muốt cả một vùng. Khung cảnh thung lũng lau gợi cho ta về những buổi tập trận lau mà Đinh Bộ Lĩnh cùng những đứa trẻ trong làng thủa xa xưa vẫn thường chơi.
Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng trong động Hoa Lư
Qua công tác tu bổ, tôn tạo di tích những năm gần đây thì Thung Lau Ninh Bình được tôn tạo với quy mô lớn và khang trang hơn. Bên ngoài động có cổng đá, bến đỗ xe cho du khách tới đây.
Hình ảnh đền thờ vua Đinh tại Thung Lau
Nằm giừa động Hoa Lư là ngôi đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng và hội đồng văn võ triều Đinh. Đền xây trên nền dinh lũy xưa kia của ông và hiện nay đã được xây dựng tu sửa với quy mô lớn hơn. Trong đền vua Đinh có một tấm biển gỗ khắc bài thơ bằng chữ Hán của Thúc Bào Lã Xuân Oai làm năm Tân Mùi, niên hiệu Tự Đức (1871), mô tả quang cảnh động Hoa Lư. Phía sau đền vua Đinh là đền thờ Thánh Nguyễn Minh Không.
Lễ hội đền Thung Lau Ninh Bình
Hàng năm, vào mỗi dịp đầu xuân, vào ngày 8 tháng 10 âm lịch, tại thung Lau Ninh Bình đều diễn ra lễ hội gọi là hội động Hoa Lư hay lễ hội đền Thung Lau. Lễ hội tương đối giống với lễ hội cố đô Hoa Lư nhưng có quy mô nhỏ hơn.
Với đạo lý uống nước nhớ nguồn, lễ hội được cộng đồng dân cư địa phương tổ chức nghiêm trang với nhiều nghi lễ, tế, rước. Bên cạnh đó hội động Hoa Lư còn có các trò chơi dân gian như đấu vật, tập trận ờ lau, múa lân, hát chèo hay hát dân ca tạo không khí vui tương phấn khởi cho người dân và du khách tham dự.